Không phải cứ uống nước đóng bình là người tiêu dùng đang uống nước sạch, bởi thực tế đã ghi nhận có khá nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình, sản xuất nước uống đóng bình sử dụng nguồn nước ô nhiễm hoặc chỉ xử lý qua quýt bằng phương pháp thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn người tiêu dùng cũng rất khó phân biệt được nếu chỉ nhìn qua.
Không có nước máy, nước sinh hoạt hằng ngày chủ yếu là nước giếng bốc mùi hôi thối và có màu lạ, những bình nước được quảng cáo là “tinh khiết” trở thành lựa chọn duy nhất trong sinh hoạt hằng ngày của Quân và hàng trăm sinh viên tại Xuân Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Có giá chỉ 10.000 đồng cho 1 bình 19,5 lít, có vẻ như đây là lựa chọn hợp lý đối với những sinh viên như Quân. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, những bình nước “tinh khiết” này xuất hiện hiện tượng lạ.
Anh Quân cho biết: “Thỉnh thoảng mình để ý thì thấy dùng được một thời gian thường là 1 nửa bình nước xuất hiện váng màu trắng và có hiện tượng như là đóng băng. Còn khi dùng đến gần hết bình thì cũng có lần phát hiện nước có những cặn vẩn đục ví dụ lúc xả ra, lúc uống hoặc nấu ăn thường quan sát thấy những cặn đấy”.
Theo chuyên gia Trần Hồng Côn: Khoa Hóa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN nhận định: “Nếu như nước đóng chai mà có hiện tượng đóng váng, đổi màu hoặc bất cứ hiện tượng gì đó thì chứng tỏ về cảm quan thì nước này không phải loại nước đạt tiêu chuẩn của nước đóng chai/bình”.
Theo địa chỉ trên vỏ bình nước mà nhân vật cung cấp, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất nước mà Quân đang sử dụng.
Những ống nước hoen rỉ cắm trực tiếp vào lòng đất có nhiệm vụ lấy nước từ trong lòng đất để đưa vào thiết bị lọc. Những máy móc được cho là quan trọng nhất trong quá trình sản xuất nước tinh khiết có lẽ đã được đầu tư từ rất lâu và cũng đã được tối giản hết mức có thể. Với nguồn nước khai thác là nước giếng vốn đã bị ô nhiễm, lọc có vẻ là nhiệm vụ quá sức đối với chiếc máy này.
Theo chuyên gia hóa môi trường Trần Hồng Côn, việc sản xuất nước sạch đòi hỏi rất nhiều công nghệ. Đặc biệt, nếu sử dụng nguồn nước lọc là nước giếng, sẽ phải tăng gấp đôi chi phí cho quá trình xử lý thay cả công đoạn của 1 nhà máy nước sạch như thông thường. Sau khi xử lý, nước được cho vào các bình nhựa cũ để đóng gói, hoàn thiện sản phẩm.
Trao đổi với lãnh đạo phường Xuân Canh – nơi diễn ra hiện trạng sản xuất nước đóng bình không đủ tiêu chuẩn, chúng tôi được biết, cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động. Cũng theo ông Dũng thì tại Xuân Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội, nước sạch đã được cung cấp đến toàn bộ người dân. Việc một số nơi không có nước máy để dùng, phường chưa được phản ánh.
Còn tại 1 cửa hàng tạp hoá ở Xuân Canh, người bán hàng cho biết, do nước có giá rất rẻ nên lượng tiêu thụ mỗi ngày vẫn khá lớn. Và đối tượng chủ yếu là sinh viên thuê trọ, người lao động có thu nhập thấp.
nguồn: antv